Thay đổi tích cực trong đánh giá học sinh tiểu học

Ngay sau khi Thông tư 22 được ban hành, P.V Báo Tỉnh Thành đã có cuộc trao đổi với Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD-ĐT về những nội dung được sửa đổi dựa trên Thông tư 30. Ông Đông cho rằng: Những tư tưởng nhân văn như đánh giá thường xuyên bằng nhận xét, không so sánh học sinh này với học sinh khác, đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh tại Thông tư 30 vẫn được kế thừa và phát triển trong Thông tư 22.

Cũng theo ông, ở Thông tư 30, việc đánh giá học sinh về học tập được chia theo 2 mức: hoàn thành hoặc chưa hoàn thành. Qua thực tiễn cho thấy, việc quy định như vậy phần nào chưa động viên được những học sinh hoàn thành nhiệm vụ học tập, hoạt động giáo dục ở mức độ tốt, mức cao hơn so với yêu cầu chuẩn kiến thức, kỹ năng. Thông tư 22 đã khắc phục được tình trạng trên khi quy định việc đánh giá định kỳ đối với từng môn học, hoạt động giáo dục được lượng hóa thành 3 mức: hoàn thành tốt, hoàn thành, chưa hoàn thành. Việc quy định như vậy nhằm xác định rõ mức độ hoàn thành nhiệm vụ học tập của học sinh so với chuẩn kiến thức, kỹ năng để động viên các em phấn đấu trong học tập, để cả giáo viên và học sinh cùng điều chỉnh hoạt động, phương pháp dạy và học, đồng thời giúp cha mẹ học sinh nắm bắt rõ hơn mức độ đạt được của con mình và có biện pháp giúp đỡ để các em tiếp tục vươn lên.

  Gò Quao tổ chức hội thi giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi Tiểu học cấp huyện, năm học 2022-2023

Bên cạnh đó, Thông tư 22 quy định việc đánh giá năng lực, phẩm chất học sinh theo 3 mức: tốt, đạt và cần cố gắng thay cho 2 mức quy định trong Thông tư 30 là đạt và chưa đạt. Như vậy, những tư tưởng nhân văn trong việc đánh giá, nhận xét học sinh tiểu học thay cho điểm số để tránh gây áp lực cho học sinh, phụ huynh và tránh bệnh thành tích của Thông tư 30 nay tiếp tục được Bộ GD-ĐT phát triển tại Thông tư 22.

Nhà trường, phụ huynh đặt nhiều kỳ vọng

Thông tư 22 bước đầu nhận được nhiều kỳ vọng của nhà trường và phụ huynh về cách đánh giá, nhận xét học sinh tiểu học một cách tối ưu nhất. Một trong những thay đổi quan trọng của Thông tư này là giải phóng cho giáo viên một lượng lớn sổ sách để dành thời gian tập trung vào chuyên môn. Trong đánh giá thường xuyên, để có thời gian nhiều hơn dành cho đổi mới phương pháp dạy học và quan tâm, hỗ trợ giúp đỡ học sinh trong quá trình học, trước đây, hàng tháng, giáo viên ghi vào sổ theo dõi chất lượng giáo dục. Còn hiện nay, ngoài việc dùng lời nói chỉ ra cho học sinh biết được chỗ đúng, chưa đúng và cách sửa chữa, khi cần thiết giáo viên viết nhận xét hay những lưu ý đối với học sinh có nội dung chưa hoàn thành hoặc có khả năng vượt trội trong học tập và rèn luyện. “Việc giảm tải sổ sách từ 5 cuốn xuống còn 2 cuốn cho giáo viên cũng tạo thuận lợi cho chúng tôi trong công tác kiểm tra, quản lý “-cô Nguyễn Thị Hòa-Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc (TP. Pleiku) cho biết.

  Hỗ trợ vay vốn đối với cơ sở giáo dục Mầm non, Tiểu học ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi đại dịch covid-19

Về phía phụ huynh, đa số cảm thấy hài lòng với những nội dung của Thông tư 22. Chị Mai Thị Hoa (245/6 Nguyễn Tất Thành, phường Phù Đổng, TP. Pleiku) nói: “Con gái tôi đang học lớp 4. Gần đây, tôi hay được cháu hào hứng khoe được cô nhận xét là hoàn thành tốt. Vì vậy, tôi đồng tình với việc phân lượng rõ ràng hơn từng mức độ học tập cũng như phẩm chất của học sinh trong Thông tư 22 vì giúp phụ huynh nắm bắt tốt hơn mức độ học tập, phát triển của con em mình”.

Một số phụ huynh thì băn khoăn rằng, việc cho phép giáo viên nhận xét bằng lời nói sẽ khiến học sinh quên hay cố tình không nói lại cho bố mẹ biết.